Thitruongtoday - Bản tin hàng ngày

“Giữ lửa” cho nghề dệt chiếu Long Cang

Làng nghề dệt chiếu Long Cang thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nổi tiếng từ xưa và đã gắn bó với người dân nơi đây từ bao đời. Từ những đôi bàn tay khéo léo, dù trải qua bao thăng trầm của thời gian thì nhiều người dân Long Cang vẫn gắn bó với nghề truyền thống của cha ông truyền lại đó là nghề dệt chiếu.

Nghề dệt chiếu thủ công Long Cang

Không biết nghề này được bắt nguồn từ khi nào, chỉ biết rằng khi họ lớn lên cả làng Long Cang đã làm nghề dệt chiếu và cứ thế nghề này được truyền từ thế này sang thế hệ khác và được lưu truyền cho tới ngày nay. Những sản phẩm chiếu đặc sắc của Long Cang như chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in... Những loại chiếu này vô cùng nổi tiếng bởi độ bền và tính thẩm mỹ của nó. Đặc biệt là những đôi chiếu cưới với nhiều hoa văn đặc sắc, thường được đặt một đôi vào dịp đám cưới. Đây cũng là một trong những truyền thống không thể thiếu của người miền tây Nam Bộ.

“Giữ lửa” cho nghề dệt chiếu Long Cang 1

Những chiếc chiếu Long Cang như là những tâm huyết của người dân vùng Nam Bộ

Cụ Lê Thị Giỏi (94 tuổi) tại ấp 1, xã Long Cang là một trong những nghệ nhân dệt chiếu vẫn đang cần mẫn, miệt mài mỗi ngày dệt chiếu, đôi tay thoăn thoắt của cụ vẫn say sưa luồn những sợi lác vào khung để dệt nên những chiếc chiếu bền và chắc.

Theo cụ, để có được một đôi chiếu đẹp thì người thợ phải vô cùng cẩn thận trong từng các khâu như chẻ, nhuộm lác và khéo léo trong từng bước để có thể tạo hình hoa văn, long phụng hoặc chữ song hỷ... Ngoài ra, chiếu Long Cang còn được đặt riêng để trải trong những sự kiện quan trọng như lễ hội, cúng đình làng...

Nghề dệt chiếu truyền thống đang dần mai một

Tháng 12/2014, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quyết định công nhận nghề dệt chiếu Long Cang là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia. Nghề dệt chiếu Long Cang mang một giá trị tinh thần, truyền thống to lớn đối với những người dân nơi đây.

“Giữ lửa” cho nghề dệt chiếu Long Cang 2

Nghề dệt chiếu vẫn còn được nhiều người dân nơi đây gắn bó với nghề

Tuy nhiên, ở những vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông trước đây là nơi trồng lác để dệt chiếu thì ngày nay nơi đây phải nhường chỗ cho mục đích phát triển công nghiệp. Cùng với đó là hình ảnh những bó lác hay những chiếc chiếu phơi bên đường ít dần đi. Do quy hoạch phát triển công nghiệp nên tỷ lệ đất trồng lác đang có xu hướng giảm dần. Người dệt chiếu Long Cang phải đi mua thêm nguyên liệu ở những vùng khác để về dệt. Nhưng nghề dệt chiếu vẫn mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Những nghệ nhân làm lâu năm gắn bó với nghề dệt chiếu luôn mang nặng nhiều tâm tư khi nhìn làng nghề truyền thống đang dần bị mai một. Chính vì lẽ đó, chính quyền địa phương cần có những giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ người dân gắn bó với nghề và cũng để bảo tồn nét văn hóa của địa phương.

Xem thêm: