Tìm hiểu nét đẹp trong lễ hội Làm Chay ở Long An
Lễ Làm Chay là một trong những lễ nổi tiếng lâu đời của người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là nghi lễ được tổ chức để cúng tế các nghĩa sĩ hi sinh trong phong trào yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX theo nghi thức Phật giáo. Bạn có đang thắc mắc về lễ hội có cái tên và mục đích kỳ lạ này không? Hãy cùng tìm hiểu và khám phá ngay thôi nào!
Lịch sử hình thành lễ hội Làm Chay Long An
Lễ hội Làm Chay được hình thành và tổ chức từ trước năm 1945 với hình thức đơn giản chỉ lập đàn dưới đất cúng cầu siêu tại nhà lồng chợ cũ. Đến giai đoạn từ năm 1945 - 1979, được bổ sung thêm phần hát bội để mang đến một âm hưởng dân gian mới cho lễ hội. Từ năm 1980 đến nay, việc cúng tế đã được thay đổi vị trí từ chợ Tầm Vu sang đình Tân Xuân thuộc xã Dương Xuân Hội.
Lễ hội Làm Chay được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm
Lễ này được tổ chức vào ngày 15 và ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Việc chuẩn bị lễ hội đòi hỏi cần triển khai các công việc: dựng đài liệt sĩ, dựng giàn Ông Tiêu, dựng giàn thầy, làm Long Đình - Tứ Châu, làm hình ông Tiêu và làm ghe phóng đăng. Nhân vật chính của ngày lễ là ông Tiêu - hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Hình ảnh ông Tiêu được thể hiện rất công phu với chiều cao 2m, đầu có sừng, lưỡi làm bằng giấy hồng dài gần nửa mét, trên người mặc một bộ áo giáp trụ và trăm gương mặt được khắc khắp thân người.
Lễ hội Làm Chay được tổ chức như thế nào?
Ngày 15 tháng Giêng âm lịch, khi lễ hội được diễn ra, người dân sẽ tổ chức đám rước bao gồm các thành viên trong Ban Khánh tiết, các bô lão, phu kiệu, đội múa lân, đánh trống di chuyển đến chùa Linh Phước và về chùa Ông để nhân dân cúng bái. Tiếp đến, đoàn rước sẽ tiếp tục đi từ đình đến chùa Linh Phước để nhân dân sẽ thực hiện nghi thức dâng hương, mặc niệm, gióng lên ba hồi trống chiêu hồn và thực hiện việc viếng mộ thủ lĩnh nghĩa quân Đỗ Tường Tự.
Lần lượt các nghi thức được diễn ra: nghi thức Khai kinh để cầu an và mang đến bình an cho người dân; nghi thức cúng tế liệt sĩ và nghi thức Đề phan liệt sĩ với nội dung ca ngợi công lao và sự hi sinh quả cảm của các liệt sĩ. Lễ hội Làm Chay được kéo dài tới tối với các hoạt động giao lưu ca nhạc tài tử và xuất phát xe hoa đi diễu hành vòng quanh thị trấn Tầm Vu cho đến tận nửa đêm.
Lễ hội Làm Chay được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao hi sinh của những người anh hùng dân tộc
Đến ngày 16, cộng đồng người dân sẽ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian quen thuộc như: kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi đất, leo cột mỡ,… cùng hàng loạt hoạt động thể thao náo nhiệt như đua xe đạp chậm, bóng đá, chạy việt dã, bóng chuyền,… Song hành với hoạt động vui chơi là các nghi thức được tổ chức lần lượt cho đến khi kết thúc buổi lễ: nghi thức Thỉnh cỗ bánh, nghi thức Thỉnh Ông Tiêu, nghi thức Thỉnh kinh, nghi thức Phóng đăng và cuối cùng là nghi thức Xô giàn.
Lễ Làm Chay là một trong những lễ hội truyền thống với giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của người dân vùng đất Long An. Lễ hội này không chỉ thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ mà còn thể hiện nét đẹp tôn giáo, tín ngưỡng đặc biệt.
Xem thêm:
- Chùa Nổi Long An – Nơi bình yên giữa vùng trời miền Tây
- Giữ gìn và bảo tồn đờn ca tài tử Nam Bộ tại Long An
- Tìm hiểu về những mùa lễ hội tháng Giêng tại Long An