Tìm hiểu về những mùa lễ hội tháng Giêng tại Long An
Đến với Long An, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng quê thanh bình mà còn thả mình vào những mùa lễ hội vô cùng thú vị. Với những người yêu thích và khám phá nền văn hóa truyền thống của đất nước thì khó có thể bỏ qua được lễ hội tại Long An.
Lễ Hội Làm Chay
Đây là lễ hội được được diễn ra hằng năm vào ngày 15, 16 tháng Giêng (âm lịch). Ý nghĩa của lễ hội này là cầu siêu cho những người đã khuất, vong linh liệt sĩ và cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước được bình an, vô sự.
Lệ hội Làm Chay được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015
Ngày 15 được gọi là ngày khai lễ, mọi người trong xóm sẽ thỉnh rước ông Tiêu từ chùa Linh Phước về chùa Ông, tụng kinh cầu an, cúng tế. Ngày 16 là ngày hội diễn ra với nhiều các loại trò chơi dân gian như: bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co... Lễ hội sẽ được kết thúc vào lúc 0 giờ với nghi thức đốt hình nộm ông Tiêu và xô giàn.
Lễ vía bà Ngũ Hành
Lễ hội này được diễn ra vào ngày 18 đến 21 tháng Giêng (âm lịch). Với ý nghĩa cầu an, đây cũng là dịp để người dân địa phương thể hiện mong ước về một cuộc sống no đủ, mùa màng được bội thu, mọi sự thuận buồm xuôi gió. Một số nét đặc trưng ở lễ hội này đó là múa bóng rối, hát chặp địa nàng, chầu mời, thỉnh bà...
Lễ vía bà Ngũ Hành được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014
Đại Lễ Kỳ Yên
Lễ hội này được diễn ra trong tháng giêng và được tổ chức gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ, có các nghi thức rước sắc thần về đình, dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc văn tế cầu nguyện, cảm tạ những vị thần Thành Hoàng, hậu Hiền, thần Nông.. đã phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no trong năm vừa qua và năm tiếp theo. Còn về phần hội, có các chương trình hát bội và các trò chơi dân gian quen thuộc.
Đại lễ Kỳ Yên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Lễ húy kỵ Đức Nguyễn Quang Đại
Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại – là nhạc quan tài hoa của triều nhà Nguyễn. Ông là người có công rất lớn trong việc khai sáng ra dòng nhạc tài tử và nhạc lễ nam bộ độc đáo ngày nay. Hằng năm thì lễ húy kỵ Đức nghệ nhân được tổ chức ra nhằm mục đích giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An.
Nếu có dịp về đình Vạn Phước vào thời điểm này, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức và đắm chìm trong những làn điệu đờn ca tài tử đặc biệt của miền Nam Bộ. Cùng hòa mình vào không khí sôi nổi của mùa lễ hội và thả hồn theo cung bậc cảm xúc của những làn điệu đờn ca tài tử có một không hai này.
Mùa lễ hội là dịp mọi người ngồi lại cùng với nhau và cùng nhau thể hiện những nét đẹp trong văn hóa dân gian, vừa thể hiện tính cộng đồng mà cũng vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo níu chân những người con xa xứ và những du khách phương xa.
Xem thêm:
- Giữ gìn và bảo tồn đờn ca tài tử Nam Bộ tại Long An
- 6 điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch Long An
- Tất tần tật kinh nghiệm du lịch Long An: Đi lại, ăn, chơi, ngủ nghỉ