6 cách tốt nhất để phòng chống dịch tả heo châu Phi
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn, người dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Hiện dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó 6 cách dưới đây được xem là biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi tốt nhất.
Phòng chống dịch tả heo châu Phi tại chuồng trại
1. Tại khu vực chăn nuôi heo
Dịch tả heo châu Phi có khả năng lây lan cực nhanh và mạnh. Do vậy để phòng chống dịch bệnh, những nơi chưa mắc bệnh cần tạo “vỏ giáp” từ bên ngoài chuồng trại để dịch bệnh không thể xâm nhập vào bên trong. Bằng cách:
- Rải vôi bột tại các lối đi, nhất là khu vực cổng trại, lối xuất nhập heo;
- Mỗi tuần rắc vôi mới một lần;
- Phun sát trùng thường xuyên, nhất là trần, vách chuồng và các ngõ ngách;
- Tiêu diệt hết những côn trùng đang sống trong khu vực.
2. Tại các phương tiện vận chuyển heo
Phương tiện vận chuyển thường đi từ nơi này đến nơi khác. Rất có thể phương tiện đó đã đi qua nơi có dịch bệnh, và khi đến nơi chưa có dịch bệnh thì gây lây lan. Do vậy, cần có cách biện pháp xử lý các phương tiện này đúng cách để đảm bảo không một virus nào có thể xâm nhập vào trại heo. Bằng cách:
- Sát trùng phương tiện thật kỹ ngay tại cổng trại;
- Sử dụng máy phun sát trùng có áp lực mạnh để phun sát trùng;
- Phát trùng thường xuyên và đúng giờ quy định.
3. Đối với người tiếp xúc với heo
Người tiếp xúc với heo, dù là chủ trang trại, người chăm nuôi, người tiêm phòng, người tham quan… thì đều có nguy cơ gây bệnh dịch tả heo châu Phi cho heo. Do vậy, tất cả những người có tiếp xúc với heo cần phải:
- Tuân thủ tuyệt đối việc cách ly, tiêu độc, sát trùng người theo quy trình an toàn sinh học khuyến cáo;
- Hạn chế người đi vào khu vực chăn nuôi heo nếu không có việc gì cần thiết.
Tuân thủ quy trình an toàn sinh học để phòng chống dịch tả heo châu Phi
4. Cách chăm sóc sức khỏe cho đàn heo
Những cách nói trên chỉ là cách phòng bệnh dịch tả heo châu Phi từ bên ngoài, còn quan trọng nhất vẫn là sức đề kháng của heo trước “cơn lốc” dịch bệnh. Theo đó, đàn heo trong thời gian này cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như sau:
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng;
- Bổ sung vitamin và điện giải nếu thời tiết thay đổi hoặc khi cần chuyển heo;
- Tiêm phòng đầy đủ các mũi cho heo;
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phát hiện những dấu hiệu lạ từ heo;
- Nếu thấy heo sốt cao, chết kỳ lạ thì phải báo với cơ quan thú y ngay lập tức để được chẩn đoán nguyên nhân.
5. Đảm bảo nguồn thức ăn của heo phải “sạch”
Ngoài việc bảo đảm chế độ ăn uống cho heo phải đầy đủ, cân đối, thì thức ăn của heo trong giai đoạn này còn phải “sạch”. Có nghĩa là:
- Chỉ sử dụng thức ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sinh học khi đưa vào trại;
- Không cho heo ăn thức ăn thừa từ các nguồn khác nhau như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…
6. Phòng bệnh từ chính nguồn heo giống
Trước khi nhập heo giống, phải lựa chọn những nơi uy tín, được chứng nhận không bị bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuyệt đối không mua heo ở các chợ bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khi nhập heo giống từ những nơi khác về, cần tuân thủ việc cách ly, theo dõi sức khỏe trước khi cho chúng “hòa nhập” với đàn heo cũ.
Thực hiện tốt 6 cách nói trên thì mới hy vọng dịch tả heo châu Phi không thể lây lan đến những khu vực mới. Đây là cách được đánh giá là tốt nhất hiện tại, bà con nuôi heo cần biết để áp dụng đối với chuồng heo nhà mình.
Xem thêm: