Thitruongtoday - Bản tin hàng ngày

Làm giàu từ thỏ: Mỗi tháng kiếm 30 triệu đồng

Được tặng 15 con thỏ giống, bà Cưng đã nuôi và nhân giống ra hàng ngàn con thỏ khác. Từ đó cuộc sống của bà trở nên ổn định, khá giả hơn.

Mỗi tháng lãi 30 triệu đồng

Bà Nguyễn Thị Cưng, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là tấm gương làm giàu để bà con hàng xóm noi theo. Với mô hình nuôi thỏ theo hướng khép kín, hiện nay, trừ hết chi phí, gia đình bà lãi 30 triệu đồng/ tháng. Đó là con số mơ ước của bất cứ hộ dân nào tại Long An.

Kiếm hàng chục triệu mỗi tháng nhờ nuôi thỏ

Kiếm hàng chục triệu mỗi tháng nhờ nuôi thỏ

Trước đây, gia đình bà chủ yếu nuôi vịt đẻ. Tuy nhiên năm 2005, dịch cúm A/H5N1 khiến đàn vịt của bà chết hết, kinh tế rơi vào cảnh lao đao. Sau đó bà chuyển sang nuôi heo nhưng heo cũng bị dịch bệnh, giá heo “lèo tèo”. Trong lúc khốn đốn, bà được người họ hàng ở xa tặng 15 con thỏ giống. Bà nuôi nấng và từ đó trở thành cái nghề đem đến cho bà sự ổn định về kinh tế.

Thỏ là loài động vật có khả năng sinh sản tốt và rất nhanh lớn. Thỏ cái nuôi khoảng 5 – 6 tháng là bắt đầu sinh sản, mỗi năm sinh khoảng 6 – 8 lứa, mỗi lứa trung bình 5 – 6 con. Sau 3 tháng trở lên, thỏ đạt trọng lượng từ 2,5 – 3kg, giá bán trung bình mỗi kg là 80.000 đồng/kg.

Nhờ cần cù lao động cộng với quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đàn thỏ nhà bà Cưng có 200 con thỏ hậu bị, 200 con thỏ thịt và 300 con thỏ con.

Trừ hết chi phí chăn nuôi, tùy vào số lượng thỏ bán ra, mỗi tháng gia đình bà Cưng lãi 30 triệu đồng. Việc tìm đầu ra cho thỏ cũng vô cùng thuận lợi khi lượng người mua khá đông, đến từ các tỉnh như An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai và Tp.HCM. Thậm chí thương lái còn đến tận nhà để hỏi mua.

Nuôi thỏ không hề khó

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh và để lại tổn thất nặng nề cho người chăn nuôi, bà con tỉnh Long An hoàn toàn có thể suy nghĩ đến việc nuôi thỏ để ổn định kinh tế.

Thỏ là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh

Thỏ là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh

Thỏ là loại động vật rất dễ nuôi, lại ít bị dịch bệnh. Thức ăn của thỏ vô cùng đơn giản, đó là rau, cỏ trong vườn hoặc phụ phẩm nông nghiệp.

Bà Cưng chia sẻ: Bà học cách nuôi thỏ thông qua sách, internet, bạn bè và các mô hình chăn nuôi thỏ hiệu quả. Hiện tại, gia đình bà đang nuôi thỏ với mô hình khép kín, nhờ vậy bà đã thành công.

Ngoài ra, bà cho biết thêm, để nuôi thỏ đạt hiệu quả, người nuôi phải biết chọn con giống chất lượng, bảo đảm vệ sinh, tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, nuôi con gì cũng vậy, ngoài sự cần cù, chịu khó còn phải có một chút đam mê và niềm yêu thích đối với công việc mình làm, có như vậy mới thật sự hiệu quả.

Thời gian tới, gia đình bà Cưng dự định đầu tư chăn nuôi theo kiểu trên nuôi thỏ, dưới nuôi cá, nhằm đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín đạt hiệu quả cao nhất.

Dựa vào đặc điểm của thỏ, cộng với điều kiện nuôi nấng không mấy khó khăn, thiết nghĩ bà con huyện Tân Trụ nói riêng và trên toàn tỉnh Long An nói chung nên thử áp dụng mô hình chăn nuôi thỏ khép kín. Biết đâu được đây chính là cơ hội đổi đời cho bà con?

>>> Đọc thêm: