Nội dung chính
Nông dân kêu cứu vì giá lúa quá thấp
Bước vào mùa thu hoạch nhưng với mức giá lúa hiện nay người nông dân chỉ biết kêu trời. Lúa thu hoạch xong thì phải bán, nhưng bán với mức giá quá rẻ như vậy thì không những không có lời mà người nông dân còn chịu lỗ nặng.
Giá lúa giảm mạnh, nông dân chịu lỗ
Giá lúa giảm không phanh
Trong khi giá điện, giá nước, giá thực phẩm... tăng chóng mặt thì giá lúa vụ hè thu lại giảm một cách đột ngột. Ông Minh, người trồng lúa cho biết: “Gia đình tôi sản xuất hơn 5 ha lúa nhưng chỉ bán được với mức giá 4.100 đồng/ kg. Với mức giá này, vốn chúng tôi còn không lấy lại được chứ chưa dám nghĩ đến lãi”.
Tính đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 221.695 ha lúa hè thu 2019, trong đó thu hoạch 70.808 ha, năng suất khô ước đạt 46,4 tạ/ha và sản lượng 328.586 tấn.
Anh Tiến, hộ trồng lúa tại huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Với mức giá lúa hiện nay, nông dân như chúng tôi lỗ là cái chắc. Người trồng ít thì chịu lỗ ít. Người trồng nhiều thì chịu lỗ nhiều. Không ai là không chịu lỗ”.
Người nông dân kêu trời vì giá lúa rớt thảm
Thời gian qua tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, rất nhiều hộ nông dân bỏ xứ đi làm ăn nơi xa. Chi phí vật tư nông nghiệp thì tăng đều, mà giá lúa càng ngày càng giảm, người nông dân không thể trông chờ vào mảnh đất cha ông để lại nữa mà phải đi tìm hướng làm ăn khác.
Bám trụ lại mảnh đất quê hương người dân không thể nào tìm ra một hướng đi tốt đẹp. Nuôi heo thì heo dịch, trồng lúa thì rớt giá. Đối với nông dân, không còn nỗi buồn nào hơn nỗi buồn xoay quanh heo, gà, lúa, rau.
Hiện giá lúa tươi tại ruộng như sau: IR50404 từ 4.000 - 4.100 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 4.200 - 4.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.000 - 5.300 đồng/kg, tăng 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước; ST 24 từ 5.200 - 5.300 đồng/kg và nếp từ 5.200 - 5.500 đồng/kg.
Hiện giá các loại lúa được thương lái thu mua tại ruộng chỉ dao động ở mức 3.900 – 5.500 đồng/kg tùy vào loại giống lúa. Biết rằng bán thì sẽ chịu lỗ, nhưng không bán thì không có chi phí cho vụ sản xuất tiếp theo. Người dân chỉ trông mong Nhà nước có chính sách để giá lúa tăng lên, nông dân an tâm và ổn định sản xuất.
Trông chờ vào vụ lúa thu đông
Vụ hè thu vừa qua, người nông dân tỉnh Long An đã tất bật để chuẩn bị cho vụ lúa thu đông với niềm hy vọng giá lúa sắp tới sẽ có sự khởi sắc.
Trong vụ thu đông, toàn tỉnh gieo sạ 22.552 ha lúa, đạt 47,8% kế hoạch, tập trung vào các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Thanh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, để tránh tình trạng lúa rớt giá như vừa rồi, tỉnh sẽ tập trung đa dạng sản xuất các mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Như vậy có thể thấy nông dân trồng lúa đã có động lực để tập trung sản xuất cho vụ thu đông.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, lúa vụ 3 (vụ Thu Đông) thường bán được giá cao hơn và dễ bán hơn vụ hè thu.
Hi vọng giá lúa vụ thu đông sẽ khởi sắc
Tuy nhiên, canh tác lúa vụ 3 thường gặp nhiều vấn đề hơn do điều kiện thời tiết thay đổi, thiên tai và dịch hại thường xảy ra. Do vậy, ngành nông nghiệp cùng các địa phương phải thường xuyên theo dõi, quan sát tình hình để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân chủ động sản xuất, thúc đẩy địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi, gia cố hệ thống đê bao để bảo đảm nông nghiệp sản xuất thuận lợi.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng lúa thu đông, nông dân cần tập trung làm đất, không sử dụng lại giống lúa hè thu vừa qua. Mặt khác, do thời tiết bất lợi, nông dân nên chọn giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng rầy và dễ dàng thích nghi với môi trường.
Đặc biệt, trong quá trình phun thuốc cho lúa, người dân phải đảm bảo quy tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Đồng thời thực hiện chương trình “1 phải, 5 giảm”: Phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Với sự nỗ lực của người dân cùng sự quan tâm của các ban ngành, mọi người đang ôm hi vọng giá lúa những vụ tiếp theo sẽ có sự khởi sắc, là động lực để nông dân tiếp tục bám trụ vào đất đai và tăng cường sản xuất.
>>> Xem thêm: